Di tích Đình Bái Ân – Quán Cây, Ao Cá được công nhận di tích lịch sử - nghệ thuật theo Quyết định số 2617/QĐ-UBND ngày 24/5/2025 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Đình làng Bái Ân – Quán Cây – Ao Cá là ngôi đình cổ, có bề dầy lịch sử, nét đẹp văn hóa, là điểm nhấn tâm linh của nhân dân phường Nghĩa Đô, ghi nhận thần tích của Ba vị Thành hoàng làng là Vợ chồng Vũ Phục và em trai, đã giúp vua Lý Nhân Tông đắp đê tại ngã 3 sông thiên phù và chữa khỏi bệnh đau mắt cho nhà Vua. Ông bà là người có công với dân, với nước, với kinh thành Thăng Long và với phường Nghĩa Đô. Với những công lao to lớn của ông bà; vua Lý Nhân Tông đã truy phong cho ông là Chiêu ứng phù vận Đại Vương thượng đẳng thần, bà là Thuận chính Phương Dung công chúa thượng đẳng thần và em trai là Chiêu điều Hồng Ân Đại vương thượng đẳng thần.
Nghi thức rước bằng xếp hạng di tích về Đình Bái Ân - Quán Cây, Ao Cá
Đình Bái Ân được coi là ngôi đình cổ, còn bảo lưu được nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa còn lại của phường Nghĩa Đô hiện nay. Tương truyền, đình được tạo dựng vào thời nhà Lý, giáp với góc Tây Bắc của thành Thăng Long xưa. Đến năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Phù Khánh Thọ nguyên niên (1127) dựng thêm ngôi miếu để hương khói. Ban đầu đình Bái Ân chỉ là một công trình đơn sơ, quy mô nhỏ, sau đó đình được hưng công, tôn tạo và trở nên khang trang, rộng mở hơn, với lối kiến trúc theo kiểu "nội Công ngoại Quốc".
Đình Bái Ân đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo cụ thể: Tấm bia hậu thần ký tại Đình lập năm cảnh hưng thứ 9 (1748) cho biết "Đình Bái Ân là 1 danh lam thắng cảnh trang nghiêm ở kinh thành Thăng Long, lại được sự hưng công, đóng góp của 1 bà họ Ngô 3 lần công đức tổng cộng là 400 quan tiền."
Tòa tiến tế của đình được sửa vào 10/11 năm Tân Dậu niên hiệu Khải Định thứ 6 (1921); Hậu cung được sửa vào ngày 19/11 năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo đại thứ 12 (1937)
Từ năm 1960 đến 1980 đình làng Bái Ân là nơi sản xuất nghề dệt Hiệp Thành, Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đình Bái Ân vẫn đứng vững trên mảnh đất thiêng gần 1000 năm của kinh Thành Thăng Long, được người dân địa phương bảo vệ, gìn giữ.
Nghi thức rước bằng xếp hạng di tích về Đình Bái Ân - Quán Cây, Ao Cá
Được sự quan tâm của UBND quận Cầu Giấy và các cơ quan quản lý các cấp ngày 12/4/2015 Đình Bái Ân được khởi công trùng tu, tôn tạo. Sau 5 năm xây dựng, sửa chữa đến tháng 12/2020 Đình Bái Ân cũng đã hoàn thành. Hiên nay ngôi Đình trở nên khang trang, tôn nghiêm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân làng Bái Ân và khách thập phương.
Đình Bái Ân hiện nay còn lưu giữ 22 đạo sắc phong bằng giấy gió từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Đạo Sắc phong xưa nhất vào ngày 24 tháng 5 năm Đức Long năm thứ 6 (1634). Trong đình, hiện nay còn bảo lưu được 2 lệnh chỉ bằng giấy gió vào năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746) và Cảnh Hưng thứ 8 (1747). 01 bia đá "Hậu Thần bi ký" dựng năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) cho biết đình Bái Ân là một danh lam thắng cảnh trang nghiêm ở kinh thành Thăng Long. Một văn bia khác dựng năm Gia Long thứ 8 (1809) đặt ở Hậu cung cho biết việc tu sửa đình Bái Ân cùng nhiều cổ vật quý giá khác.
Lãnh đạo phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cho Tiểu ban quản lý di tích Đình Bái Ân – Quán Cây – Ao Cá.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh, việc cụm di tích Đình Bái Ân - Quán Cây - Ao Cá được xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp TP là niềm tự hào to lớn, là sự ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nghi thức gắn biển xếp hạng di tích Đình Bái Ân - Quán Cây, Ao cá
Cùng với đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Cầu Giấy đề nghị Đảng bộ, chính quyền phường Nghĩa Đô tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn để quản lý, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di tích. Đồng thời, lồng ghép hiệu quả công tác di tích vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giáo dục truyền cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng phường Nghĩa Đô ngày càng văn minh, giàu đẹp./.